Thời Trang và Rap – Lỗ đen vũ trụ giữa Thời Trang/ Truyền Thông và Âm nhạc.
Tất nhiên, nó theo ý kiến chủ quan và đầy nghi hoặc của mình. Có thể nó đúng mà cũng có thể nó sai lè, nhưng trước giờ là vậy – mình thích thì mình viết và mình nói. Để cho chúng ta có một thứ gì đó tranh luận và tất cả mọi người đều nhìn về một vấn đề rộng hơn.
Hai chương trình là RV và KOR đã bước tới những giai đoạn cuối cùng. Trong suốt khoảng thời gian vừa qua, rap đã là một chủ đề bàn tán sôi nổi trong truyền thông và văn hóa Việt Nam. Nhà nhà rap, người người rap, quảng cáo cũng rap. Mười cm có một rapper. Cũng dễ hiểu thôi, vì văn hóa rap đang được “Thổi phồng" nhờ ơn của truyền thông và mạng xã hội. Vừa tốt và vừa không tốt. Nhớ cách đây năm 2007 -2008 không, hiphop hay cụ thể hơn là b-boy, breakdance cũng nở vàng rực rỡ. Các bộ phim, các TVC quảng cáo đua nhau mà làm về hiphop. Nhưng như mình đã nói “Kẻ không thuộc đường phố sẽ chỉ lợi dụng đường phố theo một cách thực dụng nhất" – khi cơn sóng qua đi thì sự nguội lạnh mới thể hiện rõ ra. Nó sẽ thanh lọc lại cộng đồng – và trong 1000 người đấy, sẽ bắt đầu có thêm 10 người, 20 người hay 100 người thích rap.Thế là Rap của Việt Nam thành công rồi.
Vậy – giữa lỗ đen vũ trụ của Rap/Truyền Thông này, thời trang phát triển như thế nào?
(Mình không nói về âm nhạc nhé vì mình chả hiểu gì về vần đơn, vần đôi. Nhảy beat/Off-beat. Lyrical hay Auto-tune. Mình là một người nghe trung lập, nhạc hay là nghe)
Chà, xin thưa là ở ý kiến cá nhân của mình. Đây là 1 con số Không tròn chĩnh. Tất nhiên, chẳng liên quan và cực kì vô duyên khi nói về việc link giữa “Rap" và “Thời trang” lại. Nhưng khi Rap đã trở thành một pop-culture/ văn hóa đại chúng tại Việt Nam thì lẽ dĩ nhiên, mỗi rapper là một “fashion icon" đích thực, gây ảnh hưởng rất nhiều cho người hâm mộ. Yêu nhau yêu cả đường đi lối về - fan sẽ xem rằng nghệ sĩ đó mặc gì để làm cảm hứng. Nhưng nhìn mà xem, các rappers hiện tại ở Việt Nam – hãy trung thực mà nói, chưa một người nào có thể gây môt cảm hứng mãnh liệt cho mình và một “Icon Artist" cả. Hay đúng hơn họ là một “Trend-setter”/ Người tạo ra xu hướng trong thời trang.
Tại sao thời điểm này mình mới đưa ra nhận định đó. Tại giai đoạn này hai chương trình đưa Rap tới nhiều người biết hơn đã trải qua ¾ hành trình. Với độ nóng của nó thì đây là một cơ hội vàng để các Rapper thuyết phục về “cái nghe" và “cái nhìn" đối với công chúng. Nghe là âm nhạc còn nhìn là thời trang. Nhưng, một chữ nhưng kéo dài. Có vẻ quá khó khăn khi nhận định bất kì 1 rapper nào trở thành 1 “Trend-setter" cả.
Có những lí do chính ở đây:
1. Từ những rappers gạo cội. Âm nhạc là những thứ gì họ đã đánh đổi, âm nhạc là cả cuộc đời của họ. Thời trang ư? Hãy theo một phương án an toàn và bắt mắt đại chúng như những ngôi sao đại chúng khác.
2. Những rappers trẻ. Họ còn trẻ, tài chính chưa mạnh và chưa có một cái nhìn rõ ràng về thời trang. Cũng chỉ vì họ yêu âm nhạc.
Chung quy, nếu là “trend-setter" thì phải là một người am hiểu rõ ràng về thời trang hay chí ít là biết nền công nghiệp này đang vận hành theo một con đường nào. Khó mà trách được các rappers Việt Nam không thể trở thành 1 “Trend Setter" khi khẩu vị của người Việt vẫn còn đang phải nâng cấp rất nhiều. Hầu hết quần áo mà các rappers đang mặc đều là từ những stylist – nên trong trang phục đó, là “Khẩu vị" của stylist chứ không phải là Rappers. Mà rapper là người performance/ người biểu diễn, là người trực tiếp đưa món ăn đó tới đại chúng. Họ còn không hiểu lắm thì sao có thể thành 1 “Trend-setter" được.
Nhưng “Chúng ta có thực sự quan tâm tới những gì mà các Rappers đang mặc hay không?”
Thật vậy, về Thời trang của các Rappers tại Việt Nam thông qua hai chương trình RV và KOR. Ngoài những bức hình break-down outfit với những sản phẩm chục triệu, trăm triệu của các groups, các kênh truyền thông. Thì đại chúng còn đọng lại những gì? Không, hoàn toàn là số không tròn chĩnh. Các báo đài đua nhau đưa những con số khổng lồ, những brands ngoại mà chắc chỉ 10% đến 20% khán giả biết tới mà không một lời giải thích chỉ đến gồng gánh cái mác “Rapper xịn, xài đồ ngoại" mà không có dẫn trích ý tưởng của stylist hay liên quan đến tinh thần của người nghệ sĩ đó cả.
Những con số về lượng tương tác với các bức hình đó cũng giảm dần theo từng tuần và chết đứng ở mức khoảng “3000 likes". Dù cho những hình đầu có thể đạt tới “30.000 ~ 70.000 likes" vì hiệu ứng truyền thông từ lúc chương trình bắt đầu. Nhưng người đọc, người xem đã chán ngấy việc họ chỉ thấy món đồ và giá tiền - họ quan tâm hơn về viêc tại sao lại pick items đó, thương hiệu đó là gì hay cũng chỉ là “Đắp tiền lên người Rappers’.
Mà cũng từ bao giờ “Thời Trang" gắn liền với phong độ của “Rappers" hay độ hot của bài hits. Dễ dàng thấy rằng, rappers trẻ nào ra một bài hit – ngay lập tức các kênh media lên bài “rapper A/B/C với hit X/Y/Z ăn mặc chất chơi, người dơi, người sắt". Cá nhân mình thấy đây là một điều vô cùng hài hước. “Rap hay chưa chắc mặc đẹp" mà “Mặc đẹp chưa chắc rap hay". Nếu thỏa mãn cả hai điều kiện “Rap hay" và “Mặc đẹp" thì họ đang trên con đường trở thành 1 “trend-setter" như cái cách mà A$AP Rocky hay G-dragon (có thời gian GD cũng rap nhá), Tyler hay Playboi Carti chinh phục thế giới này rồi.
Vì mình nhìn vào, chỉ thấy một chú ma nơ canh kêu gì mặc nấy – không thấy được cái đích mà rappers đó hướng tới.
Nhưng không sao, thời gian còn dài – quá trình phát triển còn lâu. Mong rằng, dù qua những thời điểm hot nhất – mình vẫn mong đợi một bước tiến xa hơn của các anh/chị/em rappers. Mình luôn yêu quý mọi người, luôn thích Rap/Hiphop hay Underground culture nên có lẽ mình sẽ không khen hay tung hô để chúng ta thẳng thừng như ở đường phố.
P/s: Thêm nữa, ở Việt Nam còn thiếu 1 công ty truyền thông hay giải trí được lead bởi những người sống chết với văn hóa đường phố, Họ hiểu nghệ sĩ, rapper của họ. Họ muốn rappers của họ thể hiện theo cách nào, ăn mặc ra sao và khác với mainstream dư lào. Đó là cái cách mà AOMG, H1ghr Music xứ Hàn thành công.
Search