GIÁO VIÊN AI-EO ƠI: SAI THÔI ĐỪNG SAI QUÁ!
Disclaimer: để ngăn chặn chứng suy thảo mai mãn tính (đỉnh điểm là chiếc post lần trước đã làm sồn sồn các mẹ thiên hạ học chưa khá lại thích đá ống bơ), mị rút kinh cmn nghiệm, viết 1 câu chối bỏ trách nhiệm như này trước rồi tiến bước vào thân bài giết giặc phủi tay. Bài viết không nhắm tới tất cả người dạy ai-eo và tiếng Anh nói chung. Bản thân mị không được đào tạo bài bản về phương pháp dạy ai-eo cũng như tiếng Anh như một ngôn ngữ học, nên mị chỉ có thiển ý về tiếng Anh dựa vào kinh nghiệm chuyên Anh, sống và làm việc ở Mỹ blah blah, để nắn cốt các “giáo viên” có đạo đức nghề nghiệp hơi trũng, sai lè lè mà cứ thích làm trời làm đất loè người học. Tất nhiên, không có gì là tuyệt đối, nên người hay sai vẫn có khi dạy được cái đúng. Vậy nên bài viết này nhằm nhắc các bạn học tiếng Anh đừng tin iu ai quá (kể cả mị vì mị lười chảy thây nên chỉ tips cá nhân không à, có trích dẫn nghiên cứu khoa học sách vở nào đâu, muốn nghe trích thì qua nhà Tom EdSpace đây nhé, một bầu trời uyên bác có tâm). Mà thật ra con nào muốn độ thế chứ không phải con này… chỉ tại tối thứ 6 rảnh rỗi mà nghe tỉ muội gặp chuyện bất bình nên ta… nhiều chuyện không tha haha. Ô kê vào đề.
Ai theo dõi kênh mị đã lâu, chắc ít nhất vài lần nghe mị nhắc tới khát khao châm dầu học tiếng ngoại bang bằng tình iu tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt. Học càng nhiều (chủ động lật sách hay bị động coi phim), lòng mị càng sôi sục cảm giác từ ruột gan (gut feeling, chứ không có chứng cứ khoa học gì) rằng thì là, bản chất của ngôn ngữ có thể là rất giống nhau, nếu học 1 mà hệ thống được 1, không khéo có thể khai triển, thử nghiệm giả thuyết lên việc học các ngoại ngữ mới để định hình khung quy luật chung cho người học vãng lai, kèm nhiều ngoại lệ cho người muốn học chuyên. Đáng tiếc là mị chưa đặt ưu tiên học ngôn ngữ mới lên cao hơn trong thời điểm hiện tại, nên giả thuyết mị đặt ra chỉ tạm dựa trên kinh nghiệm cá nhân từ việc học tiếng Việt và tiếng Anh, nhưng thôi mị cứ giãi bày luôn cho có cơ sở đi tiếp. Giả thuyết của mị là:
TRÌNH ĐỘ TIẾNG VIỆT LÀ THƯỚC ĐO TRÌNH ĐỘ NGOẠI NGỮ
(áp dụng cho người trưởng thành được đào tạo tiếng Việt là ngôn ngữ thứ nhất)
==> Lập luận:
Là người Việt thì ít nhất cũng đã biết được tiếng Việt. Chưa xét tới việc giỏi dở tiếng Việt sẽ ảnh hưởng thế nào lên giỏi dở ngoại ngữ, một người giỏi tiếng Việt nghĩa là có khả năng vận dụng từ vựng, ngữ pháp tiếng Việt một cách sâu sắc, đúng chỗ để diễn đạt lưu loát, mạch lạc ý tưởng trong đầu. Giỏi tiếng Việt nghĩa đầu tiên là nắm rõ điểm khác biệt giữa các thì, các thể, các từ loại, các cấu trúc câu, v.v để biết áp dụng đúng chỗ. Nghĩa tiếp theo là biết dùng từ vựng đúng sắc thái để kết hợp với ngữ pháp, diễn đạt chuẩn cho nhiều người hiểu cùng 1 ý. Sau khi đạt tới thượng thừa viết văn nghĩa đen như tường thuật thuyết minh, người giỏi tiếng Việt còn tự do thoải mái chuyển đổi từ cấu trúc này sang cấu trúc khác để phù hợp với mạch văn toàn bài, hạn chế lặp nhàm chán cho người đọc, tạo sự khác biệt mới mẻ gây thu hút để nổi bật ý. Tương tự với từ vựng, giỏi tiếng Việt cũng đồng nghĩa phải nhận thức sắc thái khác nhau của những từ vựng gần nghĩa để truyền đạt thông tin sát ý người viết và không khiến đọc hiểu nhầm. Nhưng giỏi tiếng Việt không có nghĩa giỏi hết các phương thức biểu đạt trong tiếng Việt, giỏi tiếng Việt khi nghị luận để bày tỏ chủ kiến không chắc chắn sẽ vẫn giỏi khi ráng miêu tả, biểu cảm. Không thành vấn đề, định nghĩa giỏi của mị đưa ra không bao gồm phương thức hihi, chỉ bao gồm từ vựng, ngữ pháp đúng sắc thái, linh hoạt biến chuyển, thay đổi điểm nhấn, thu hút người đọc. Nếu đạt tới đỉnh cao dùng biện pháp nghệ thuật, so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, hoán dụ, nói quá, nói giảm nói tránh, điệp từ điệp ngữ, chơi chữ thì đi bán chữ mà ăn luôn nha. Trùm quá rồi.
Thật ra nói như trên thì thay cụm “tiếng Việt” thành tiếng gì cũng được, kể cả tiếng Anh. Vì nói cho cùng, nhiệm vụ chính của ngôn ngữ là để biểu đạt hiệu quả mớ suy nghĩ ngữ nghĩa chồng chất trong đầu. Nếu trong đầu rỗng tuếch không ý tưởng thì lấy gì mà xuất ra bằng công cụ ngôn ngữ, cũng như không thể bắt một bạn cấp 2 đi thi ai-eo bàn về biến động trên thị trường bất động sản nửa đầu quý 1 được. Vậy nên, miễn là trong đầu có quan điểm, kiến thức về chủ đề đang bàn, nếu người giỏi tiếng Việt biết cách xuất những ý tứ trong đầu ra tiếng Việt (bằng công cụ như thể, từ loại, cấu trúc, biện pháp nghệ thuật, v.v kể trên), thì nếu người đó muốn xuất tương tự ra tiếng Anh, điều người đó cần chỉ là thời gian. Cái khó nhất là cái suy nghĩ trong đầu thì đã được định hình rồi, cách đơn giản (dù hơi kém hiệu quả, thiếu tự nhiên nhưng chất lượng ý tưởng không đổi) là viết hẳn tất cả thứ trong đầu ra tiếng Việt trước (công cụ quen thuộc đã giỏi) rồi sau đó ráng dịch sang ngôn ngữ khác. Ở đây, mị không cổ súy cho một cách học dài dòng chậm rì, thiếu “phản xạ”. Cái mị muốn nói tới là, nếu người giỏi tiếng Việt có thể nhìn vào đoạn tiếng Việt vừa viết ra, rồi phân tích ra mỗi câu đã dùng những cấu trúc diễn đạt, từ vựng đắt, biện pháp nghệ thuật như thế nào, rồi ráng tìm hiểu cách làm tương tự để có được sự đa dạng, đa tầng nghĩa như thế vào đoạn viết bằng ngoại ngữ, thì dần dà túi đồ nghề ngoại ngữ của bạn giỏi tiếng Việt í cũng sẽ tăng lên (và thật ra đồ nghề cũng chỉ có bấy nhiêu thôi, thu ít lâu là chạm nóc luôn). Cộng với luyện tập viết / nói qua thời gian, các bạn chỉ giỏi tiếng Việt ngày nào sẽ trở nên rất là khá ngoại ngữ, biết cách giản lược giai đoạn “dịch”, học hỏi cách diễn đạt, sử dụng biện pháp nghệ thuật đặc trưng hơn của ngoại ngữ nhờ việc đọc, nghe nhiều, và từ đó sẽ bớt cái chất Việt trong cách diễn đạt ngoại ngữ. Vậy nên, giỏi tiếng Việt (+ có ý tưởng để bày tỏ) theo mị chính là bước đầu giúp 1 người Việt trưởng thành giỏi ngoại ngữ. Nếu bản thân người Việt trưởng thành còn chưa thể diễn đạt hoa mỹ bằng tiếng Việt, thì bớt mong người đó có thể nhồi nhét học mánh mung để xổ văng hoa mỹ tiếng Anh.
==> Áp dụng vào bẻ giáo viên ai-eo:
Một giáo viên ai-eo có tiếng đã post lên nhiều luận điểm đáng ngờ trong 1 group học ai-eo đông đảo followers về chuyện viết tiếng Anh sao cho tự nhiên, hết Việt.
1. Dùng “have something done” để nâng cấp tiếng Anh viết:
Tiếng Việt: Tháng trước, tôi đã chuẩn bị tất cả mọi thứ để đi du lịch.
Tiếng Anh cơ bản: Last month, I prepared everything to go travel.
Tiếng Anh nâng cao: I had things prepared for traveling.
Tiếng Việt: Tôi phải ở nhà tối nay để hoàn thành việc.
Tiếng Anh cơ bản: I have to stay at home tonight to finish my work.
Tiếng Anh nâng cao: I have to stay at home tonight to have work done.
Tiếng Việt: Có một người phụ nữ lạ đã đến nhà chúng tôi để bán tranh.
Tiếng Anh cơ bản: having a strange woman come to my house to sell pictures.
Tiếng Anh nâng cao: We had a strange woman come to my house selling pictures.
==> Lời ai oán của mị về luận điểm ai-eo trên: (má ơi nhiều quá không biết tỏ lòng từ đâu)
Đáng buồn là câu cơ bản trong cả 3 cụm ví dụ trên đều là câu hay hơn cái câu gọi là “nâng cao” vì nó rõ nghĩa và đúng ngữ pháp. 3 câu tiếng Việt đều là câu tường thuật bình thường, không hề có biện pháp nghệ thuật, không dùng ngữ pháp gì phức tạp, vậy cớ gì ráng làm màu mè hoá khi viết qua tiếng Anh? Nếu muốn có câu tiếng Anh màu mè, hãy ráng thử diễn ý tiếng Việt đó ra tiếng Việt màu mè coi có được không? Nếu được thì mới may ra đủ tự nhiên mà ráng chuyển qua tiếng Anh màu mè. Ở đây mị không nói tới việc có nhiều ngôn ngữ “dài dòng” hơn ngôn ngữ khác. Cách diễn đạt có thể dài dòng hơn, nhưng tính chất cơ bản thì vẫn duy trì trong cả hai, chỉ công cụ khác nên thành phẩm khác chút thôi. Nếu muốn sửa những câu “cơ bản” này cho tự nhiên hơn thì thiển ý của mị như sau:
I prepared everything for traveling last month.
=> Bỏ last month xuống cuối. Còn prepare dùng với to hay for thì theo từ điển đều ok nhưng theo não cá vàng thì mị quen for hơn (lười xài n-gram).
I have to stay home tonight to finish my work, hoặc I have to stay home tonight to get work done.
=> Thường home chỉ đi mình nó thôi, trừ khi động từ to be + at home thì có thể có at nhưng bỏ at vẫn tự nhiên hơn. Get something done thì tự nhiên và là 1 cụm expression rồi, không phải là dạng “have something done” của thể sai khiến nhờ vả, cũng không ai nói “I have to stay home tonight to have work done” hết.
(Edited thanks to góp ý của bạn Cận Đường Tiệm) Cụm 3 không sai, khuyên dùng câu "nâng cao" vì được bưng từ từ điển ra nên nghĩa đúng với nghĩa tiếng Việt. Cái sai ở đây là have someone come không liên quan gì tới have someone done như nhắc tới ngay dòng phía trên trong hình. Nhưng thật lòng nha, mị cảm thấy viết như câu "nâng cao" từ từ điển ra như này khá là tối nghĩa vì vị trí đặt cụm "selling pictures". Trên mạng đã có câu hỏi trong forum về chính câu này và người bản xứ cũng khá hoang mang. Mị nghĩ việc cần làm là mị nên đọc lại sách ngữ pháp nâng cao thêm lần nữa. Và cá nhân mị sẽ không dùng cách viết này cho tới khi thấy sách báo dùng. Cẩn tắc vô áy náy. Dùng khó hiểu phải nói thêm để làm rõ nữa.
Nếu các bạn muốn nghe các thầy cô có chuyên môn sư phạm Anh nói sâu hơn về cái sai của giáo viên ai-eo này về luận điểm trên, mời xem hình, vì các bình luận này đã “được” xoá thẳng tay trên group rồi. Nghe đâu giáo viên ai-eo này cũng là mod của group. Có sự trùng hợp chăng? Khi mà những bình luận vô cùng lịch sự và đầy chuyên môn lại bị xoá đi, chì còn lại comment khen, chấm hóng? Giáo viên ai-eo có tiếng này được nhiều bạn học ai-eo hâm mộ nhờ xì tai cute hột me, nhưng các bạn học có giỏi lên được khi mà bản thân giảo viên ai-eo post bài lên group to bự vầy mà toàn lỗi sai cơn bản. Rồi khi bị “đồng nghiệp” chỉ ra điểm sai thì lại chày cối như trong hình, rồi sau đó “tự nhiên” mà các comment kia bị bay màu luôn. Đây là đạo đức làm thầy dạy học viên sao? Không dám nhận trách nhiệm về điều mình chia sẻ, không tìm hiểu kỹ trước khi truyền bá cho người khác, làm chụp làm giựt không hiểu rằng sẽ gây hại lâu dài cho người học? Sau này họ đi sửa sai còn cực mấy lần đi học lần đầu!
2. Dùng mệnh đề quan hệ cho tự nhiên hơn thay vì viết câu đơn:
Tiếng Việt: Tôi cần ăn uống nhiều hoa quả. Những loại hoa quả này sẽ giúp tôi có một cơ thể khoẻ mạnh.
Tiếng Anh cơ bản: I need to eat a lot of fruits. These fruits will help me have a healthy body.
Tiếng Anh nâng cao: I need to eat a lot of fruit which is rich in vitamins to have a healthy body.
Tiếng Việt: Những người không có sự quyết đoán sẽ rất khó trở thành nhà lãnh đạo. Nếu không có sự quyết đoán, họ sẽ khó có thể thuyết phục người khác.
Tiếng Anh cơ bản: Those people who lack determination are unlikely to become leaders. Without the determination, they will find it hard to persuade people.
Tiếng Anh nâng cao: Those people who lack determination that all leaders require will find it hard to persuade others.
==> Lời ai oán của mị về luận điểm ai-eo trên:
Như giả thuyết của mị đã đặt ra, với 1 người trưởng thành được đào tạo bằng tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, ít nhất đầu tiên phải diễn đạt được cho trôi trong tiếng Việt rồi mới muốn qua tiếng Anh cho hay. Không phải người tây người ta thích cho mệnh đề quan hệ vào cho hay, mà vì người ta có thông tin muốn lồng ghép vào thêm trong lúc nói, cũng như tiếng Việt mình cũng có kiểu nói chêm thông tin như vậy, không có gì lạ lùng! Ngoài trừ lỗi nhỏ (without determination, không có the) thì còn lại 2 câu “cơ bản” đều rất oke phai! Không có lý gì phải ráng chế hươu vượn ra 2 câu “nâng cao” trớt quớt hết. Nếu bản thân người nói tiếng Việt chỉ nói ra được 2 câu tiếng Việt cụt cụt như trên thì sao đòi người ta nói câu tiếng Anh ra một đống đường vòng lắt léo được? Giả thuyết của mị là, não phải sản xuất ra ý trước thì công cụ là ngôn ngữ (dù ngôn ngữ nào) cũng sẽ xuất ra đúng cái độ giàu có tinh tế mà ý tứ có (tất nhiên, công cụ càng sắc bén thì xuất càng chuẩn). Một tâm hồn dào dạt ngôn tình thì viết tiếng Anh ra cũng sẽ dạt dào như… dịch ngựa hihi.
Trong cụm ví dụ 1, khúc “which is rich in vitamins” là khúc không có sẵn trong ý tứ tiếng Việt, nếu có sẵn “Tôi cần ăn uống nhiều hoa quả nhiều vitamins” thì người học sẽ tự biết dịch ra “fruits with a lot of vitamins” hoặc “fruits that have a lot of vitamins”. Còn nếu giỏi tiếng Việt hơn mà nghĩ ra “Tôi cần ăn uống nhiều hoa quả giàu vitamins” thì người học sẽ lan quyên ngay thành “fruits that are rich in vitamins” như giáo viên ai-eo mong muốn. Cơ bản là phải có ý tiếng Việt đã. Mị nói chuyện hay chêm tiếng Anh nhưng mị luôn có kết nối trong đầu để dẫn về một từ sang chảnh tương ứng trong tiếng Việt. Còn cụm ví dụ thứ 2 thì quá abc rồi, ai đời chơi 2 cái mệnh đề quan hệ liên tục như vậy rồi thì ai chơi lại… Câu “cơ bản” là đủ hay rồi ai-ơi. Ngay cả bác Yuval mà cũng viết toàn câu đơn thôi vì phong cách bác là thế. Ép nhau dài dòng văn tự mà trớt quớt ra để làm gì.
Tương tự như luận điểm 1, ai thích đọc lời bình có chuyên môn thì xem ảnh nhé, mị chỉ là con múa mép thị phi dạo trên du túp mà hoy.
3. Thay áo cho từ ngữ bằng từ đồng nghĩa:
Đoạn này quá dài nên mấy bạn đi nhìn hình giùm mị nha haha. Để mị rảnh rang tay mà rant tới tấp. Ôi trời ơi t muốn nghiệpppp!!! Nghiệp ở đây là vì giáo viên ai-eo kia nâng tiếng Anh lên mà dìm tiếng Việt. Trong bài “nâng cao” thì ráng suy diễn cho nhiều vô để ra những cụm “đồng nghĩa” để nhét vào để khỏi phải dùng lại từ “lie” và dòng họ nhà nó. Vậy thì làm mie như vậy cho đoạn văn tiếng Việt đi. Nếu đầu bạn có thể nghĩ ra những cụm như “bóp méo sự thật” thì bạn sẽ thấy ngay tiếng Anh chỉ cần dịch word for word, từng chữ một là ra “distort the truth”. Nếu bạn biết viết tiếng Việt là “bẻ cong sự thật” thì bạn sẽ tay bắt mặt mừng với “bend the truth” ngay. Còn nếu bạn thích “giếm” luôn sự thật như cách bạn hay ai trong ban quản trị group đó đã xoá comment công tâm, thì bạn hẳn sẽ biết được cụm “suppress the truth”. Ha!
Bạn có thể khuyên các bạn học tiếng Anh ráng dùng từ đồng nghĩa cho bớt lặp từ, cho thu hút sự chú ý giúp người đọc đỡ nhàm chán, nhưng điều đó không chỉ áp dụng cho ngoại ngữ, và chỉ khi học viết ngoại ngữ! Các bạn học ngôn ngữ hay ngoại ngữ gì thì cũng cần rèn cái máy sản xuất ra ý tứ là cái bộ não í, bằng việc đọc nhiều lên, phân tích nhiều lên, lượm lặt các biện pháp nghệ thuật, các cấu trúc diễn đạt, các sắc thái từ vựng xa gần vào túi công cụ để khi cần viết thì biết lối mà áp dụng. Nếu túi công cụ của bạn đầy bảo bối thì dù là tiếng Anh, Ý, Tàu, Tây Ban Nha, bạn đều có thể dũa theo văn hoá diễn đạt là sẽ tự nhiên theo bản xứ nước đó thôi. Cơ bản là toàn giống nhau, chỉ có luyện tập và tiếp xúc là giúp văn phong tự nhiên hơn.
Tương tự như 2 luận điểm trên, mời các bạn thích đọc chuyên môn có dẫn chứng đàng hoàng vào xem hình sẽ rõ nhé.
Nói tóm lại, mục đích của bài ai-oán về chuyện ai-eo này là muốn cảnh tỉnh các bạn học tiếng Anh rằng học thì phải lựa cái đúng mà học. Thấy thầy này nói một đằng, cô kia nói một nẻo thì phải đi tìm hoài cho tới khi thấy được đa số thầy cô đồng tình với quan điểm nào rồi hãy học theo. Không phải nói đa số là đúng, nhưng trước khi bạn đủ lông cánh phán họ sai thì ít nhất học theo số đông cho ra hồn trước đi đã rồi xin tiền học tiến sĩ đi nghiên cứu sau. Ngoài ra, cũng muốn dằn mặt các vị giáo viên ai-eo có chút tiếng mà không có tâm với bài post ra chia sẻ với người học, không chịu trách nhiệm với nội dung chia sẻ, không có dẫn chứng học thuật cụ thể, làm ăn như vậy rất là chụp giựt nhé, chỉ có mị mới làm được thôi vì mị không có thu học phí ai không làm thầy ai hết hehe. Trước khi làm thầy thì hãy làm một công dân mạng liêm chính, đừng vì bất lợi mà đi xoá bình luận công tâm là rất kỳ, group cả 300k người có ít đâu. Kỳ quá kỳ!
Tối thứ 6 thế là đi tong.
Search