BANKSY – KẺ ẨN DANH VĨ ĐẠI VÀ MÀN ĐẤU GIÁ CÓ MỘT KHÔNG HAI TRONG LỊCH SỬ
Nếu hỏi tôi về một cái tên xứng đáng trở thành đại diện tiêu biểu nhất cho nghệ thuật đường phố đương đại, tôi sẽ không ngần ngại chọn Banksy.
Banksy là một nghệ sĩ graffiti bí ẩn. Không ai biết rõ tên thật cũng như hành tung của con người này, tất cả những thông tin cá nhân của Banksy mà người ta có được chỉ là anh sinh ra và lớn lên ở Bristol, Anh (và một nguồn tin từ nhà thiết kế đồ hoạ Tristan Manco rằng Banksy sinh năm 1974). Banksy luôn xuất hiện bí mật, chớp nhoáng trên đường phố để thực hiện các tác phẩm của mình rồi biến mất không để lại dấu vết. Nghệ thuật của Banksy mang những thông điệp mỉa mai châm biếm sâu cay, nó phản ánh khiếu hài hước và tư duy trào phúng rất đặc trưng của tác giả xoay quanh những vấn đề chính trị - xã hội như những thế lực đàn áp ở Palestine, thói đạo đức giả của một số chính trị gia và tham nhũng ở London.
Thay vì vẽ bằng bình sơn xịt như những nghệ sĩ graffiti khác, Banksy sử dụng stencil (một kiểu khuôn kim loại) và kĩ thuật tô khuôn để tạo ra các hình ảnh. Chúng được thiết kế đơn giản nhưng lại chuyên chở những thông điệp chính trị vô cùng mạnh mẽ. (Banksy tự nhận rằng anh sử dụng stencil là do không giỏi vẽ bằng bình sơn xịt, nhưng một lý do quan trọng khác là nó rất tiết kiệm thời gian. Banksy luôn phải hoàn thành tác phẩm trong thời gian ngắn nhất có thể để tránh nguy cơ bị lộ mặt, và tránh cả sự truy đuổi của cảnh sát do thời gian đầu các bức vẽ của anh vẫn bị coi là hành động phá hoại tài sản công cộng).
Banksy bắt đầu hoạt động từ những năm 90 ở quê hương, sau đó tác phẩm của anh bắt đầu tràn sang các bức tường ở London, New Orleans rồi đến khu bờ Tây của lãnh thổ Palestine. Mặc dù ngày càng trở nên nổi tiếng nhưng Banksy vẫn giữ bí mật mọi thông tin về bản thân và quyết làm một kẻ ẩn danh đến cùng. Những bài phỏng vấn hiếm hoi của anh đều được thực hiện qua email, hoặc các toà soạn sẽ nhận được một cuốn băng ghi âm đã được làm méo giọng. Năm 2010, khi được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới cùng với Barack Obama và Steve Jobs, Banksy đã cung cấp hồ sơ cá nhân bằng một tấm ảnh với mớ giấy lộn trên đầu. Đó cũng là năm mà Banksy sản xuất một bộ phim tư liệu mang tên “Exit through the gift shop” nói về quá trình làm ra những tác phẩm của anh, Shepard Fairey, Invader cùng với những nghệ sĩ graffiti nổi tiếng khác trên thế giới. Bộ phim phản ánh cái nhìn chân thật nhất về nghệ thuật đường phố ngày nay và sau đó đã được đề cử giải Oscar cho Phim tư liệu xuất sắc nhất vào năm 2011.
“BÓNG MA ĐƯỜNG PHỐ” TRỖI DẬY TỪ NHỮNG CON CHUỘT
Bức tranh tường khổ lớn đầu tiên được biết đến của Banksy là The Mild Mild West (Phương Tây êm dịu), được vẽ vào năm 1997, che phủ lên biển quảng cáo cũ của một văn phòng cố vấn pháp luật trong quá khứ nằm trên đại lộ Stokes Croft, Bristol. Bức tranh mô tả một con gấu bông đang ném một quả bom xăng vào ba cảnh sát chống bạo động.
Nhưng Banksy bắt đầu nổi danh là một bóng ma bí ẩn của làng nghệ thuật khi ở London người ta bắt đầu kháo nhau về việc nhiều ngóc ngách trong thành phố xuất hiện các bức vẽ graffiti có cùng chung dấu hiệu là một con chuột cống, mang những thông điệp phê phán xã hội rất thông minh. Người ta cho rằng biểu tượng chú chuột của Banksy có thể được diễn giải là một biểu tượng cho bản chất tái sinh liên tục của nghệ thuật đường phố: Mặc cho chính quyền địa phương có cố gắng nỗ lực nhiều đến đâu để xoá sổ những tác phẩm graffiti thì một bức tường vửa được phủ sơn mới cóong cũng chẳng tồn tại được bao lâu trước khi xuất hiện những bức vẽ mới. Chúng sẽ liên tục xuất hiện, xoá bức này thì chẳng mấy chốc sẽ lại xuất hiện bức khác. Đó cũng chính là điểm giống nhau giữa nghệ thuật đường phố và loài chuột - loài động vật vốn nổi tiếng với sự sinh sôi chóng mặt vượt ngoài tầm kiểm soát của con người.
Banksy luôn lựa chọn các bức tường cũ kĩ, thậm chí gần như đổ nát, hoặc các công trình công cộng, đường phố, tàu điện ngầm, các cây cầu… làm nơi thể hiện các tác phẩm của mình, thường là các bức hoạ và đôi khi là các tác phẩm sắp đặt. Một số bức tranh của Banksy cũng đi kèm với những khẩu hiệu mà thông điệp thường là chống chiến tranh, chống tư bản chủ nghĩa hoặc chống nhà cầm quyền, còn đối tượng trong tranh thường bao gồm chuột, khỉ, cảnh sát, binh lính, trẻ em và người già. Anh tuyên bố rằng cuộc sống ở một thành phố mà graffiti được coi là hợp pháp thì sẽ giống như “một bữa tiệc mà ai cũng được mời”, và đó là lý do khiến anh kiên trì với street art.
Bên cạnh những tác phẩm graffiti thực hiện trên đường phố, tất cả những hoạt động nghệ thuật khác của Banksy cũng đều được thực hiện đầy bí ẩn, thông qua một đơn vị đại diện giúp đảm bảo sự bí mật cho danh tính của nghệ sĩ. Nguyên nhân của sự bí ẩn này đã từng được Banksy chia sẻ là để tôn vinh “nghệ thuật tự thân”, một thứ nghệ thuật thực sự được trân trọng vì tính chất thuần túy, không bị ảnh hưởng bởi danh vọng, tiền tài hay bất kỳ điều gì khác. Cuối cùng, Banksy đã tạo ra một nghịch lý cho sự nổi tiếng: khi bạn càng tìm cách để ẩn danh, bạn sẽ càng nổi danh.
THIÊN TÀI LẬP DỊ THÍCH TRÊU NGƯƠI CẢ THẾ GIAN
Banksy là người có bộ óc thông minh và tinh quái, thích mỉa mai châm biếm xã hội và phê phán các giá trị ảo, thích châm chọc các “ông lớn” với tham vọng bành trướng toàn cầu hoá (rất nhiều thương hiệu lớn trong đó có Nike cũng đã từng là đối tượng của Banksy), thích trêu ngươi giới cầm quyền, thích chơi khăm cả những người cố gắng sở hữu các tác phẩm của anh. Tài tử Brad Pitt đã từng nói: “Banksy dắt mũi thế giới xung quanh, chứ không bị nó dắt mũi.”
Những bức tranh trêu ngươi các nhân vật quyền lực của Banksy khá phổ biến, trong đó phải kể đến một tác phẩm được sáng tác năm 2004 mà sau đó được gọi là Difaced Tenners – một cách chơi chữ với từ “defaced”, trong đó thay thế khuôn mặt Nữ hoàng Elizabeth II bằng hình ảnh Công nương Diana trên tờ ngân phiếu 10 bảng Anh.
Một hành động táo tợn khác của anh là đột nhập vào các bảo tàng lớn, nhưng không phải để trộm tranh, mà là để mang thêm tranh của chính mình vào đặt cạnh những tên tuổi lớn như một hàm ý châm biếm sâu cay. Metropolitan Museum of Art (New York), Louvre (Paris) và Viện bảo tàng Anh quốc (London) đều từng là “nạn nhân” của Banksy với lần lượt một bức tranh vẽ quý bà đeo mặt nạ chống độc, một bức Mona Lisa có biểu tượng cảm xúc Smiley, một mảnh đá vẽ cảnh săn bắn thời tiền sử nhưng bên cạnh con bò bị đâm bằng cây lao là một người đẩy xe hàng của siêu thị. Riêng mảnh đá treo ở Viện bảo tàng Anh thì 8 ngày sau mới bị phát hiện và gỡ xuống, nhưng sau này ban giám đốc đã quyết định đưa lại lên tường như một tác phẩm thuộc bảo tàng.
Banksy luôn nổi tiếng với những trò lập dị mà đồng thời cũng là những ý tưởng thiên tài. Ví dụ như năm 2003, trong triển lãm “Turf War”, anh đã vẽ lên mình của những chú lợn còn sống. Năm 2005, tại triển lãm “Crude Oils”, một triển lãm trưng bày các bản sao được “remixed” lại từ các tác phẩm trứ danh của Claude Monet, Vincent van Gogh, Andy Warhol và một số hoạ sĩ khác, anh đã thả cho 200 con chuột sống lang thang trong khu trưng bày, chui rúc trong các tác phẩm sắp đặt. Gần đây, vào năm 2017, anh thực hiện một dự án mang tên The Walled Off Hotel tại Bethlehem và tự quảng cáo rằng đó là “Khách sạn có view xấu nhất thế giới”. Sở dĩ nó được chủ nhân quảng cáo như thế là bởi nó được xây dựng ngay cạnh bức tường ngăn cách giữa Israel và Palestine – khu vực luôn đối mặt với tình trạng hỗn loạn kéo dài gây ra bạo lực và thương vong. Khách sạn này bao gồm những căn phòng được trang trí bởi các tác phẩm nguyên bản của chính Banksy và một khu vực gallery trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ người Palestine.
MÀN ĐẤU GIÁ CÓ MỘT KHÔNG HAI TRONG LỊCH SỬ
Màn đấu giá bức tranh Girl with Balloon của Banksy được coi là trò chơi khăm đỉnh cao nhất trong suốt quá trình hoạt động của nghệ sĩ này, đồng thời cũng là sự kiện có một không hai trong lịch sử của các cuộc đấu giá tác phẩm nghệ thuật.
Năm 2018, trong buổi đấu giá nghệ thuật đương đại do Sotheby’s London tổ chức, tác phẩm nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng chính là bức Girl with Balloon (một version trên vải canvas mà chủ nhân của nó trước đây đã mua được từ đại diện của Banksy. Bức graffiti “Girl With Balloon” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Banksy. Ban đầu, tác phẩm nguyên gốc xuất hiện trên bức tường ở phố Great Eastern Street, London, khắc họa một bé gái đang giơ tay về phía một trái bóng bay hình trái tim). Ngay sau khi tiếng búa cuối cùng được gõ xuống để khớp lệnh bán với mức giá 1,04 triệu bảng Anh – tương đương khoảng gần 1,4 triệu đô la Mỹ, bức tranh đã bị tuột xuống khỏi khung và bị cắt vụn mất một nửa trong sự bàng hoàng kinh ngạc của toàn bộ những người có mặt. Nhà đấu giá phải lập tức gỡ bức tranh xuống và di dời khỏi phòng đấu giá để cố gắng ngăn việc nó bị phá huỷ hoàn toàn. Giám đốc của Sotheby’s cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử đấu giá xảy ra chuyện một tác phẩm nghệ thuật tự huỷ ngay tại chỗ sau khi khớp lệnh bán ra.
Ngay sau sự kiện đó, Banksy đã cho đăng tải một đoạn video lên mạng và khẳng định rằng chính anh là người đứng đằng sau việc bức tranh tự động huỷ tại phiên đấu giá. Video clip này đã quay lại quá trình Banksy (giấu mặt) lắp đặt một thiết bị tự huỷ dạng máy cắt vào trong khung tranh từ nhiều năm trước để đề phòng một ngày bức tranh đó sẽ bị mang lên sàn đấu giá. Banksy cũng cho biết lẽ ra bức tranh sẽ bị cắt vụn hoàn toàn (lúc thử thì thiết bị tự huỷ này hoạt động bình thường), nhưng có lẽ do nó đã gặp phải một trục trặc nào đó nên mới ngừng lại giữa chừng khi bức tranh mới tuột xuống một nửa. Nhiều người nghi ngờ rằng Banksy đã cải trang và có mặt tại phòng đấu giá và sự dụng thiết bị điều khiển từ xa để kích hoạt máy cắt trong khung tranh, nhưng Banksy đã phủ nhận sự có mặt của mình tại đó.
Nhà đấu giá Sotheby’s đã chia sẻ với báo giới rằng họ đã nhận được “một trò đùa khôi hài từ Banksy”. Sau khi bị chơi khăm, Sotheby’s đã đặt tên mới cho bức tranh là "Love is in the Bin" và tuyên bố “Đây là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên trong lịch sử được tạo ra ngay trong phiên đấu giá”. Còn người mua nó, cũng là một nhân vật giấu tên, thì cho biết: "Khi tiếng búa chốt giá nện xuống cũng là lúc bức tranh bị xé ra nhiều mảnh, tôi sốc lắm nhưng nhanh chóng nhận ra, mình sẽ sở hữu một tác phẩm nghệ thuật mang tính lịch sử". Pest Control – văn phòng được uỷ quyền đại diện cho Banksy, cũng chính thức đưa ra một thông cáo về việc tác phẩm “Girl with Balloon sau khi bị phá huỷ dở dang đã trở thành một tác phẩm mới mang một cái tên mới là “Love in the Bin”. Banksy sau đó cũng gửi đi một thông điệp rằng “Sự thôi thúc phá huỷ cũng là sự thôi thúc sáng tạo.” Điều oái oăm là chính sự kiện tự huỷ của bức tranh đã khiến nó sau đó được định giá cao lên gấp đôi.
NGHỆ THUẬT LÀ DÀNH CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI
Trong quan điểm của Banksy, nghệ thuật nên thuộc về công chúng, thuộc về đời sống hơn là chỉ thuộc về các bảo tàng nghiêm trang, các không gian triển lãm sang trọng hay nằm trong ngôi nhà của các nhà sưu tập giàu có và tầng lớp quý tộc. Người nghệ sĩ phải truyền tải được tác phẩm của mình đến với cả xã hội, để mọi người thuộc các tầng lớp khác nhau đều có thể thưởng thức. Anh muốn nghệ thuật phải phục vục cho đại chúng và hoà nhập vào đời sống, thậm chí là biến mất trong đời sống.
Từ chối lộ mặt, xa lánh mọi hào quang, không cần tài trợ, sáng tác tại bất kì không gian công cộng phù hợp nào, Banksy đang chứng minh cho cả thế giới thấy sự kiên định với phương châm “tất cả mọi người đều có quyền thưởng thức nghệ thuật”. Banksy không lựa chọn trưng bày tranh của mình tại các gallery sang trọng hay uy tín, anh chọn những nơi triển lãm lạ lùng nhưng lại gần gũi nhất với người dân như đường hầm bỏ hoang hoặc nông trại. Anh nhấn mạnh quan điểm của mình: “Khi bạn đi đến một buổi triển lãm nghệ thuật, chẳng qua là bạn đang nhìn vào chiếc tủ chứa những chiếc cúp của các triệu phú mà thôi”.
Có một điều khôi hài là trước đây graffiti thường bị coi là một hành vi “xâm hại tài sản công cộng”, và nếu như ngày xưa chính quyền sở tại ở những nơi xuất hiện tác phẩm của Banksy phải hậm hực đi sơn phủ lại những bức tường, thì ngày nay, họ thậm chí phải cắt cử người bảo vệ các tác phẩm của kẻ lập dị này khỏi nguy cơ bị phá hoại bởi những đối thủ, hoặc thậm chí là bị đánh cắp. Ngày nay, những địa điểm có xuất hiện các tác phẩm của Banksy đều trở thành các điểm thu hút khách du lịch quốc tế.
Dù Banksy đã cố tình chọn các bức tường và các công trình công cộng làm nơi thể hiện tác phẩm để không ai có thể sở hữu chúng, nhưng cuối cùng người ta vẫn nghĩ ra đủ mọi cách và sẵn sàng cắt các mảng tường, đục khoét các khối bê tông ra để đem được những tác phẩm đó đến các sàn mua bán. Trên thực tế, hầu hết các tác phẩm này khi đem ra đấu giá trên thị trường đều không được sự cho phép hay đồng thuận từ Banksy. Anh rất ghét việc các tác phẩm bị mang ra bán đấu giá, vì với anh thì nghệ thuật là vô giá, không phải thứ để mang ra trục lợi, và cũng không nên bị định giá.
Năm 2008, phiên bản biếm họa của bức vẽ của Damien Hirst do Banksy thực hiện đã được bán lại với giá 1.8 triệu đô la. Trước sự kiện này, Banksy bình luận: “Tôi thích cái cách chủ nghĩa tư bản tìm được một chỗ đứng cho cả kẻ thù của nó”.
Cũng không có gì là khó hiểu khi các tác phẩm của Banksy trở thành mục tiêu săn lùng hàng đầu của nhiều nhà sưu tầm nghệ thuật, vì phàm là thứ gì càng khó có được thì người ta lại càng muốn sở hữu và sẵn sàng trả những cái giá trên trời để sở hữu. Rất nhiều người nổi tiếng và giàu có không ngần ngại bỏ ra hàng trăm ngàn đô la cho các tác phẩm của Banksy. Bàn tay phù thuỷ của người nghệ sĩ này đã từng “hoá phép” cho không ít ngôi nhà tăng giá trị lên gấp nhiều lần chỉ sau một đêm lén lút vẽ lên tường nhà họ. Gần đây nhất, một ngôi nhà đang được rao bán với giá 345,000 bảng, sau khi tường nhà bất ngờ xuất hiện tác phẩm lấy cảm hứng từ đại dịch Covid-19, đã lập tức được chủ nhân của nó ngừng rao bán và gắn một tấm kính thuỷ tinh hữu cơ ra phía ngoài bức tường để bảo vệ bức tranh. Ngày 10/12/2020, Banksy đã đăng hình ảnh của bức tường đó lên tài khoản Instagram chính thức của mình để xác nhận bức tranh đó do chính anh thực hiện.
Không ai thể đoán trước tác phẩm tiếp theo của Banksy sẽ xuất hiện vào lúc nào và ở đâu, nhưng chắc chắn nó sẽ luôn luôn được công chúng chờ đợi và đón nhận.
P.S: Bài viết có tham khảo, tổng hợp và lược dịch từ nhiều nguồn, nhiều bài báo và tài liệu khác nhau để viết lại theo mạch trình tự mới kèm theo một số nhận định mang tính cá nhân. Nội dung này được tạo ra bởi Daoonclouds, bất cứ bên nào nếu muốn sử dụng lại vui lòng liên hệ và ghi rõ nguồn.
#NEWGEN_ARTISTS_curatedbyDaoonclouds #BANKSY #streetart #streetartist #graffiti
同時也有10000部Youtube影片,追蹤數超過2,910的網紅コバにゃんチャンネル,也在其Youtube影片中提到,...
van gogh museum covid 在 典藏 ARTouch.com Facebook 的最佳解答
#國際新聞 #梵谷畫作偷竊案
新型冠狀病毒(COVID-19)肺炎在歐洲造成嚴重疫情,在各館舍閉館期間再傳畫作偷竊案。昨日位於荷蘭的 #辛格拉崙博物館(Singer Laren Museum)傳出失竊事件,遭竊的作品為 #梵谷(Vicent van Gogh)1884年所繪的《#春天在紐南的牧師花園》。